Diễn biến trận đánh Chiến_dịch_Đường_14_-_Phước_Long

Trên các tuyến phòng thủ vòng ngoài

Ngày 12 tháng 12 năm 1974, tiểu đoàn 4 của trung đoàn 165 (sư đoàn 7) đánh chiếm một tiền đồn của QLVNCH tại cây số 19 - đường 14 do một đại đội bảo an đóng giữ. Đêm 12 tháng 12, chi khu quân sự Bù Đốp bị tiến công bởi 1 đại đội đặc công QGP thuộc tỉnh đội Phước Bình. Đến ngày 16 tháng 12, các lực lượng bảo an của QLVNCH chiếm lại chi khu này nhưng không giải toả được vị trí bị cắt đứt tại cây số 19. Ngày 13 tháng 12, đại tá Nguyễn Thống Thành[13], tiểu khu trưởng Phước Long đã đến kiểm tra Bù Đăng và ra lệnh nâng mức báo động từ "vàng" lên "da cam" đối với tất cả các đồn bốt của QlVNCH trong tỉnh.[11] Do mưa lớn ngập đường chuyển quân, giờ G và ngày N mà Bộ Tư lệnh quân đoàn 4 dự kiến vào ngày 13 phải lui lại một ngày. Yếu tố bí mật bất ngờ không còn.

Rạng ngày 14 tháng 12, trung đoàn 271 (thiếu) của sư đoàn 302 nổ súng tấn công tiểu đoàn bảo an 362 - QLVNCH đóng tại Bù Đăng. Quân lực Việt Nam cộng hòa chống trả ác liệt nhất tại khu cửa mở. Phải sau hơn 2 tiếng đồng hồ và bị thương vong gần hết đại đội 12 (chỉ còn 11 người sau trận đánh), Các đơn vị của trung đoàn 271 mới lọt được vào bên trong khu phòng thủ.[14]. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, các đơn vị của Trung đoàn 271 đã tràn ngập chi khu quân sự Bù Đăng. Cũng trong ngày 14 tháng 12, các trung đoàn 165 và 201 (sư đoàn 7) sau một ngày đêm bao vây, tạo thế đã đánh chiếm căn cứ Vĩnh Thiện và khu hành chính Bù Đăng sau gần 2 giờ công kích.[15]

Ngày 15 tháng 12, hai tiểu đoàn đặc công thuộc trung đoàn 429 (B2) tấn công yếu khu Bù Na do một đại đội của tiểu đoàn bảo an 363 QLVNCH và 1 trung đội pháo binh đóng chốt. Tiểu đoàn bảo an 363 với sự chi viện từ trên không của 32 phi vụ cường kích do sư đoàn 5 không quân ở Biên Hòa thực hiện đã chống trả quyết liệt từ sáng đến chiều 15 tháng 12 nhưng vẫn thất thủ vì không nhận được sự chi viện nào từ Phước Long và Đôn Luân do đường 14 bị cắt đứt và hai cứ điểm này cũng đang bị vây lỏng. Trong trận này, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm được 2 khẩu trọng pháo.[16] Ngày 16 tháng 12, tướng Dư Quốc Đống bay lên thị sát Phước Long và tăng phái cho khu phòng thủ này tiểu đoàn bộ binh số 2 rút từ trung đoàn 7 (sư đoàn 5). Cùng ngày, đại tá Đỗ Công Thành tổ chức phản kích khai thông đường 14 nối với Bố Đức nhưng đều bị các lực lượng mạnh hơn của QGP đẩy lùi.[17]

Ngày 22 tháng 12, chi khu quân sự và quận lỵ Bố Đức do tiểu đoàn bảo an 341 đóng giữ bị tấn công và đánh chiếm lần thứ hai trong chiến dịch bởi các đơn vị của trung đoàn 165, sư đoàn 7 (Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam). Cùng ngày các đồn quan trọng trên đường 14 như Phước Tín, Phước Quả, Phước Lộc thất thủ. Đại tá Thành điều tiểu đoàn 1 (Chiến đoàn 7) mới được tăng cường và 2 đại đội thám báo phản kích nhưng bị tiểu đoàn 6 (trung đoàn 165 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) đẩy lùi, phải rút về núi Bà Rá cùng với số quân còn lại từ các đồn kể trên.[18] Ngày 24 tháng 12, Tướng Dư Quốc Đống dự định điều 1 chiến đoàn của sư đoàn 18 lên giữ Phước Long nhưng không được Nguyễn Văn Thiệu chuẩn y vì theo lệnh của ông ta, mọi sự điều động các đơn vị cấp trung đoàn phải do chính tổng thống quyết định.[19]. Tướng Đống đành phải ra lệnh cho chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ dùng trực thăng đưa 1 tiểu đoàn và 1 đại đội bộ binh rút từ sư đoàn 5 đổ quân xuống Đồng Xoài nhưng đã quá muộn, toàn bộ chi khu quân sự Đôn Luân đã nằm trong tầm bắn thẳng của các loại pháo, cối và súng máy của đối phương. Mặc dù được 48 phi vụ cường kích từ sư đoàn 5 không quân yểm trợ nhưng QLVNCH chỉ đổ được 1 đại đội xuống Đồng Xoài. Tướng Lê Nguyên Vĩ phải ra lệnh cho các trực thăng quay lại.[17]

5 giờ 37 phút sáng 26 tháng 12, chi khu quân sự Đôn Luân với 11 lớp rào thép gai, nhiều bãi mìn và hơn 50 chốt phòng thủ kiên cố đã bị các đơn vị của trung đoàn 141 (sư đoàn 7) tấn công từ bốn hướng sau 15 phút bắn phá đường của 7 khẩu pháo các cỡ 85mm, 105mm, 122mm và 4 khẩu cối 120 mm. Pháo binh QLVNCH ở căn cứ Phước Vĩnh bị trung đoàn pháo binh 210 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chế áp, không chi viện được. Hoả lực phòng không mạnh của tiểu đoàn 20 súng máy cao xạ đã hạn chế tối đa khả năng chi viện từ trên không của các máy bay A-1 và A-37 của Không lực VNCH. Đến 10 giờ 30 phút, chi khu quân sự Đôn Luân thất thủ. Thiếu tá Đặng Vũ Khoái, chỉ huy căn cứ chi khu Đôn Luân và nhiều sĩ quan dưới quyền thuộc tiểu đoàn bảo an 352 bị bắt làm tù binh tại Suối Rạt. Chiều 26 tháng 12, các đơn vị thuộc trung đoàn 141 (sư đoàn 7 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) phối hợp với trung đoàn 201 tiếp tục đánh chiếm các đồn Tà Bế, Phước Thiện, Cầu số 2 và sân bay trực thăng.[14]

Chỉ trong hai tuần, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã mất 4 mục tiêu quan trọng trên tuyến phòng thủ từ xa tại địa bàn tại Quân khu III. Ở phía Nam, các trung đoàn 209 (sư đoàn 7), 201 (sư đoàn 302) và sư đoàn 9 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chốt chặn các con đường đến Phước Long: đường 14, đường 7 ngang, đường 311, các liên tỉnh lộ số 1 và số 2. Quận lỵ Phước Bình và thị xã Phước Long hoàn toàn bị cô lập trên bộ với các đơn vị khác của QLVNCH tại Quân khu III.[20]

Tại khu trung tâm phòng thủ

Để giải vây cho Phước Long, QLVNCH cần ít nhất 1 sư đoàn hỗn hợp bộ binh, kị binh thiết giáp và quân dù nhưng trong tình hình các đơn vị tổng trù bị đã bị giam chân tại Quân khu I và Bắc Tây Nguyên, không thể điều động được nếu không có quyết định của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhận thấy tình hình nguy ngập tại Phước Long, ngày 29 tháng 12, đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa đề nghị tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phê duyệt gấp bản kế hoạch phòng thủ Phước Long đã được đệ trình từ tháng 10 năm 1974. Kết quả là đại tướng Cao Văn Viên nhận được mấy lời phê vắn tắt: "Báo trung tướng (chỉ tướng Dư Quốc Đống) điều nghiên, tùy nghi quyết định. Cần lưu ý động viên các chiến hữu tử thủ".[20][21]

Khi những lời phê trên đây được chuyển đến tay tướng Dư Quốc Đống thì cũng là lúc Phước Long bị tấn công ngày 31 tháng 12 năm 1974. Khu phòng thủ Phước Long của QLVNCH dựa vào ba cụm điểm tựa chính là thị xã Phước Long, quận lỵ Phước Bình và căn cứ Bà Rá thành thế chân vạc yểm trợ cho nhau. Theo thuyết trình phòng thủ quân sự của đại tá Đỗ Công Thành, tỉnh trưởng Phước Long, mặc dù chu vi phòng ngự đã bị thu hẹp nhưng để nối liên lạc giữa các cụm phòng thủ này, còn phải giữ được các tuyến ngăn chặn ở Thác Mơ, Phước Lộc, các đường 309, 310... Đây là những điểm yếu của khu phòng thủ Phước Long.[22]

Từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 12, các đơn vị của Quân đoàn 4 đã hành quân đến các tuyến xuất quanh Phước Long và Phước Bình. Đến chiều 30 tháng 12, trung đoàn 165 (sư đoàn 7) đã tập kết ở phía Đông và Đông Nam Phước Bình; trung đoàn 141 (sư đoàn 7) dùng ô tô cơ động theo đường 2 cũ đến phía Bắc và Tây Bắc Phước Bình; trung đoàn 271 (sư đoàn 3) chặn đường 309 ở Thác Mơ; trung đoàn 16 từ Tây Ninh về bắc Sông Bé chuẩn bị hợp vây; tiểu đoàn 78 đặc công đã tập trung dưới chân núi Bà Rá; trung đoàn 2 (sư đoàn 9) và trung đoàn 209 (sư đoàn 7) làm lực lượng dự bị. Trong đợt 2 của chiến dịch đường 14-Phước Long, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được Quân ủy Trung ương cho phép sử dụng một đại đội pháo 130 mm với 1/2 cơ số đạn và 2 đại đội xe tăng T-54 (14 chiếc). Các loại súng lớn khác yểm hộ mặt đất cho cuộc tấn công có 12 khẩu pháo 85 mm, 105 mm, 122 mm và 8 khẩu cối các cỡ 120, 160 mm. Nhiệm vụ yểm hộ phòng không được giao cho trung đoàn 210 gồm một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 mm, hai tiểu đoàn súng máy 14,5 mm và 12,7 mm.[15]

Rạng sáng ngày 31 tháng 12 năm 1974, các trung đoàn 165 (thiếu), 141 và tiểu đoàn 3, bộ đội địa phương Phước Long nổ súng tấn công Phước Bình. Tuy nhiên, tiểu đoàn 78 đặc công và trung đoàn 271 khai trận chậm hơn nên QLVNCH đã dùng pháo binh trong thị xã Phước Long được hiệu chỉnh bằng trinh sát pháo trên núi Bà Rá bắn cản đường. Chỉ huy trưởng tiểu khu Phước Long được chiến đoàn 7 (sư đoàn 5 QLVNCH) điều tiểu đoàn 1 từ chân núi Bà Rá đánh vào sườn tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 6 (trung đoàn 165 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) đang tấn công qua cửa mở. Trong khi trung đoàn 165 ở hướng Đông Nam Phước Bình phải dừng lại đối phó với cánh quân phản kích thì trung đoàn 141 từ hướng Tây Bắc tràn xuống đánh vào trung tâm quận lỵ. 13 giờ chiều ngày 31 tháng 12, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 điều 4 xe tăng T-54 yểm hộ cuộc tiến công. Một chiếc bị trúng mìn khi đi qua ngã tư chi khu, 3 chiếc còn lại đã hỗ trợ bằng hỏa lực bắn thẳng cho các tiểu đoàn 3 và 5 (trung đoàn 141) đánh chiếm chốt Vạn Kiếp và sân bay Phước Bình. 15 giờ chiều cùng ngày, Phước Bình thất thủ. Tiểu đoàn 2 (Chiến đoàn 7 QLVNCH) bị đẩy lùi về Suối Dung.[18]

Trong ngày 31, Không lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện hơn 50 phi vụ oanh tạc quanh chân núi Bà Rá, ngăn chặn được tiểu đoàn 78 đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tấn công căn cứ này. Phải đến nửa đêm, với sự chi viện của lựu pháo và pháo cao xạ 37 mm hạ nòng bắn thẳng, tiểu đoàn đặc công 78 mới chiếm được núi Bà Rá và tổ chức ngay một đài quan sát chỉ điểm cho pháo lớn bắn vào thị xã Phước Long sáng ngày 1 tháng 1 năm 1975. Quân lực Việt Nam cộng hòa bị mất 8 khẩu pháo 105 mm và 4 khẩu 155 mm tại trận địa pháo trung tâm thị xã do trúng đạn pháo của đối phương.[16] Đến sáng ngày 2 tháng 1 năm 1975, tiểu khu Phước Long đã nằm trong tầm hỏa lực bắn thẳng bằng súng bộ binh của các trung đoàn 16, 141, 165, 201 và 207.[15]

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, đại tá Đỗ Công Thành gấp rút tái phối trí lại lực lượng. Sở chỉ huy nhẹ của tiểu khu Phước Long được chuyển về trại Lê Lợi. Tiểu đoàn bảo an 340 và đại đội thám báo số 5 giữ cầu Suối Dung và chốt Vân Kiều. Tiểu đoàn 2 (chiến đoàn 7 - sư đoàn 5 tăng phái giữ các ngã ba Tư Hiền 1 và Tư Hiền 2. Đại tá Thành cũng yêu cầu chi viện nhưng chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ đã không thi hành lệnh của trung tướng tư lệnh Quân đoàn III Dư Quốc Đống với lý do sợ "mắc bẫy dương Đông kích Tây của Cộng quân"[21]. Trong ngày 1 tháng 1 năm 1975, Không lực Việt Nam cộng hòa đã tổ chức 53 phi vụ oanh tạc vào tuyến tấn công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở khu vực nghĩa trang thị xã, tạm thời chặn được mũi tiến công của tiểu đoàn 4 (trung đoàn 165), phá hủy một khẩu đội cao xạ 37 mm.[23] QLVNCH báo cáo lên cấp trên là họ đã bắn cháy 15 xe tăng của đối phương[16]

Các trận đánh phòng ngự của QLVNCH tại vùng phụ cận thị xã chỉ làm chậm tốc độ tiến quân của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thêm 24 giờ. Sáng ngày 2 tháng 1, một trận pháo kích kéo dài gần 1 giờ từ sáu khẩu 130 mm, sáu khẩu 105 mm, bốn khẩu 85 mm đã mở đường cho đợt tấn công tiếp theo của các trung đoàn 165, 141 và 271.Ở phía Nam, trung đoàn 165 chiếm trại Đoàn Văn Kiều. Ở hướng Tây, trung đoàn 141 giằng co với tiểu đoàn 1 (chiến đoàn 9 QLVNCH) ở bắc Hồ Long Thủy và khu gia binh. Hai bên đều tổn thất nặng. Ở hướng Đông Nam, trung đoàn 271 chiếm được ngã ba Tư Hiền và bãi xe. Sáng ngày 3 tháng 1, các đơn vị đi đầu của trung đoàn 141 (4 đại đội) đã lọt vào thị xã nhưng bị cô lập. Tư lệnh quân đoàn điều động trung đoàn 201 (thiếu 1 tiểu đoàn) từ tuyến 2 lên tăng cường cho trung đoàn 141.[18]. Trưa ngày 3 tháng 1, tướng Dư Quốc Đống điều động chiến đoàn 8 (sư đoàn 5 QLVNCH) sử dụng trực thăng định đổ bộ xuống thị xã nhưng vấp phải lưới lửa phòng không của trung đoàn 210 và pháo binh bắn chặn trên mặt đất, các trực thăng của QLVNCH không dám hạ cánh đổ quân. Không quân vận tải của QLVNCH thả dù tiếp tế 20 tấn đạn pháo xuống phía Bắc thị xã nhưng do bị pháo binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bắn chặn, các đơn vị phòng thủ Phước Long không thu hồi được số hàng này sau đó để rơi vào tay Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.[24] Cũng trong ngày 3 tháng 1 (tức ngày 4 tháng 1 theo lịch VNCH), Sở chỉ huy tiểu khu Phước Long bị pháo kích gây tổn thất nặng, phó chỉ huy trưởng tiểu khu tử thương, chỉ huy trưởng chi khu Phước Bình bị thương nặng.[25]

Ngày 4 tháng 1, không lực VNCH tiếp tục oanh kích các tuyến tấn công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, buộc các đơn vị này phải dừng lại đào công sự phòng tránh. 10 giờ ngày 4 tháng 1, trong nỗ lực cuối cùng để ứng cứu Phước Long, tướng Dư Quốc Đống điều động liên đoàn biệt kích dù số 81 bằng không vận lên Phước Long. Sau đợt đổ bộ đầu tiên xuống đồi Đắc Song, 2 đại đội biệt kích dù bị pháo binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bắn chặn và bị tổn thất 2 tiểu đội. Ngay lập tức, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam điều trung đoàn 16 (đang làm dự bị tuyến 2) chiếm lĩnh bãi đổ quân tại đồi Đắc Song và bên cầu Đắc Lung; dùng một bộ phận lực lượng truy đuổi số quân dù đã đổ bộ, làm các đơn vị dù tổn thất thêm một phần ba quân số và buộc họ phải chia thành từng toán nhỏ để liên lạc và hội quân với các lực lượng đang phòng thủ trong thị xã.[26] Tuy nhiên, tình hình đã quá muộn để giải cứu cho Phước Long. Hai phần ba thị xã đã rơi vào tay Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Khu phòng thủ Phước Long bị thu hẹp tối đa ở Đông Bắc thị xã, chỉ còn lại dinh tỉnh trưởng, khu hành chính tỉnh và khu chợ.[25]

Ngày 5 tháng 1, các đơn vị của trung đoàn 201 (mới tăng cường) và trung đoàn 165 tiếp tục vây ép các lực lượng phòng thủ còn lại của QLVNCH trong khu hành chính tỉnh kết hợp với pháo binh bắn phá liên tục các mục tiêu. Sáng sớm ngày 6 tháng 1, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 điều thêm Trung đoàn 2 (sư đoàn 9) và 10 xe tăng đến tăng cường cho các đơn vị đang tham chiến và mở đợt tổng công kích đánh chiếm thị xã. Lần lượt các chốt cuối cùng của QLVNCH tại đường Cách mạng, đường Đinh Tiên Hoàng, khu Tâm lý chiến vị tràn ngập. 10 giờ 30 phút sáng ngày 6 tháng 1, dinh tỉnh trưởng Phước Long bị các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc trung đoàn 141 (sư đoàn 7) và trung đoàn 2 (sư đoàn 9) đánh chiếm. 19 giờ ngày 6 tháng 1, điểm cố thủ cuối cùng của lính biệt kích dù QLVNCH dưới hầm ngầm dinh tỉnh trưởng bị chiếm.[26] Số quân còn lại của hai Biệt đội 1 và 4 biệt kích dù rút khỏi thị xã dưới quyền chỉ huy của trung tá Thông. Một số bị bắt, một số bị hoả lực bộ binh bắn gục tại Suối Dung. Không lực Việt Nam Cộng hòa ném bom hủy diệt xuống thị xã Phước Long.[27] Trong số 5400 sĩ quan và bình sĩ QLVNCH phòng thủ Phước Long, chỉ có 850 thoát được về trình diện tại Quân đoàn III[28]. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cho biết họ bắt được 2444 tù binh, trong đó có 26 sĩ quan cấp tá và cấp uý, thu hơn 5000 vũ khí các loại và một kho đạn đại bác trên 10.000 viên[29]